No products in the cart.
Mục Lục
Học ngôn ngữ không đơn thuần chỉ là học nghe học nói, học viết nữa mà đó còn là môn học cả về con người và văn hóa của đất nước đó. Với tiếng Trung cũng vậy, nhất là khi Trung Quốc lại là một đất nước có nền văn hóa lâu đời và đa dạng đặc sắc, sẽ là nguồn cảm hứng bất tận cho những bạn yêu thích tiếng Trung cũng như văn hóa Trung Quốc. Vì vậy ngày hôm nay, Kaixin sẽ giới thiệu đến các bạn một biểu tượng trong kiến trúc truyền thống của người Trung Quốc mang vẻ đẹp thanh tao nhã nhặn, một yếu tố văn hóa đặc sắc mà bất cứ ai học tiếng Trung cũng nên tìm hiểu qua đó chính là kiến trúc nhà Tứ hợp viện nhé.
Tứ hợp viện là gì?
Theo nghĩa Hán Việt, “Tứ” là “4”, “Viện” là khoảng không gian như sân, vườn trong nhà. Tứ hợp viện hay Tứ hợp phòng là mẫu nhà cổ Trung Quốc với bố cục xây bao quanh một sân vườn theo bốn hướng Đông – Tây – Nam – Bắc. Thông thường, nhà chính tọa Bắc hướng Nam, nhà ngang hai hướng Đông – Tây và nhà đối diện với nhà chính, nhà bốn phía bao quanh sân vườn ở giữa, cho nên được gọi là Tứ hợp viện.
Lịch sử hình thành Tứ hợp viện
Lối kiến trúc Tứ hợp viện của Trung Quốc đã có cách đây hơn 3000 năm. Bước sang thời hán, phong cách và các mẫu nhà Tứ hợp viện có bước phát triển và chịu ảnh hưởng sâu sắc của thuyết phong thủy, từ chọn địa điểm đến bố cục xây dựng Tứ hợp viện, đã có cả một cẩm nang về âm dương ngũ hành.
Thiết kế nhà Tứ hợp viện của đời Đường đã kế thừa truyền thống của đời Đông Hán, Tây Hán và truyền sang đời Tống và đời Nguyên, với bố cục là trước hẹp, sau rộng. Đến đời Nguyên, Tứ hợp viện ngày càng chín muồi, chính Tứ hợp viện truyền thống của Bắc Kinh đã được xây dựng một cách quy mô trong thời kỳ này. Bước sang đời Minh-Thanh, đã hình thành Tứ hợp viện Bắc Kinh độc đáo, mà Tứ hợp viện của đời Thanh càng cầu kỳ hơn so với Tứ hợp viện đời Minh. Cho đến nay, dọc hai bên đường từ Đông Đơn đến Ung Hòa Cung, từ ngõ Nam La Cổ đến ngõ Bắc La Cổ, từ Tây Đơn đến Tân Nhai Khẩu Bắc Kinh vẫn bảo tồn được một số Tứ hợp viện khá cầu kỳ.
Có thể khẳng định rằng, Tứ hợp viện Bắc Kinh đã được xây dựng một cách quy mô và đạt đến “đỉnh” vào thời Nguyên. Bước sang đời nhà Minh – Thanh, tứ hợp viện độc đáo hơn, cầu kỳ hơn. Cho đến ngày nay, dọc hai bên đường Đông Đơn đến Ung Hòa Cung, từ ngõ Nam La Cổ đến bắc La Cổ, từ Tây Đơn đến Tân Nhai Khẩu Bắc Kinh vẫn bảo tồn được những mẫu nhà cổ cầu kỳ.
Đọc thêm: Bạn biết gì về nghệ thuật thư pháp Trung Quốc
Cấu trúc và đặc điểm thiết kế kiến trúc nhà Tứ hợp viện
Đặc điểm hình dáng và phân loại Tứ hợp viện
Thiết kế của nhà Tứ hợp viện đảm bảo 4 mặt tường bao quanh một sân vườn và thường có một số mẫu nhà phổ biến như:
- Tứ hợp viện một sân (cấu trúc giống hình chữ khẩu 口)
- Tứ hợp viện hai sân cấu trúc giống hình chữ nhật 日)
- Tứ hợp viện ba sân (cấu trúc giống hình chữ mục 目)
Trong một sân vườn, nhất tiến là dãy nhà có cửa ra vào, nhị tiến là sảnh, tam tiến là phòng ngủ hoặc nhà trong nơi không gian hoạt động của phụ nữ và gia quyến, người thường không được tùy tiện bước vào.
Tứ hợp viện Trung Quốc bao gồm gồm nhiều kiểu nhà khác nhau nhưng phổ biến và tiêu biểu nhất là Tứ hợp viện Bắc Kinh. Mẫu nhà có hình dạng vuông vắn, ngăn nắp, nhà phía Bắc là chính phòng, nhà phía Nam là “đảo tọa”, hai bên Đông – Tây là “sương phòng”.
Ngoại thất chung nhà Tứ hợp viện
Nhìn từ trên xuống, Tứ hợp viện giống như một chiếc hộp lớn do 4 chiếc hộp nhỏ ghép thành vô cùng vuông văn và ngăn nắp. Kiến trúc nhà Tứ hợp viện chỉ xây từ 1 đến 2 tầng. Mái nhà đa dạng, có những mái được uốn cong mềm mại, có những nhà dùng gỗ là chủ yếu. Tất cả những ngôi nhà trong Tứ hợp viện đều có bậc tam cấp đi lên tiền sảnh. Tiền sảnh có cột tròn làm trụ. Hành lang nối các khu nhà trong Tứ hợp viện nối với nhau theo bốn phía bao quanh khoảng sân giữa. Thiết kế mái nhà nhô ra tạo bóng mát cũng như che chắn gió, mưa.
Cửa chính và thùy hoa môn
Cửa chính được xem là “bộ mặt” của gia chủ, đánh giá quy mô, sự giàu có của gia môn đó.
Cửa thùy hoa có đặc điểm là cột trụ lơ lửng chứ không chạm đất. Phía trên được khắc chạm hoa văn tinh xảo chủ yếu là các họa tiết hoa sen, đài hoa, chuỗi hạt,… thể hiện mong ước về cuộc sống tốt đẹp của gia chủ.
Cổng chính là nơi thể hiện địa vị trong nhà. Người Trung Quốc rất coi trọng thể diện bởi vậy mà cửa chính luôn quy mô thậm chí có thể được bài trí bằng nghê đá, sư tử đá,…
Xét tổng thể về tinh thần cơ bản của kiến trúc nhà Tứ hợp viện, đây là phong cách theo đuổi sự hài hòa, dung hợp, thanh bình và yên tĩnh. Xét về phong thủy, người sinh sống trong những ngôi nhà này sẽ luôn được cung cấp dưỡng khí có lợi, an thân lập mệnh.
Khoảng sân giữa của tứ hợp viện
Trong kiến trúc truyền thống Trung Hoa, khoảng sân là nơi quan trọng chẳng kém gì chính viện. Tùy vào số lượng khoảng sân chính mà khoảng sân của tứ hợp viện sẽ có cách gọi khác nhau. Nhà có 1 sân gọi là nhất tiến Tứ hợp viện, hai sân gọi là lưỡng tiến tứ viện và ba sân là tam tiến tứ hợp viện, cứ như vậy mà suy ra.
Thời Thanh có câu tục ngữ: “Nhà mát, chậu nuôi cá, cây lựu, lão gia, chó béo, a hoàn béo” dùng để miêu tả về Tứ hợp viện. Chậu cá là thứ đặc biệt nhất đặt trong sân Tứ hợp viện, tiếp đến là cây cối xung quanh để tạo không khí, bóng râm.
Ý nghĩa kiến trúc nhà cổ Tứ hợp viện
Thời tiết Bắc Kinh phân hóa thành 4 mùa xuân, hạ, thu, đông rõ rệt. Vào mùa hè, nhiệt độ có thể lên đến 37 độ C vô cùng oi bức, mùa đông thì nhiệt độ thấp đến -15 độ C.
Vào mùa hè, thời gian mọi người có thể hoạt động ngoài trời tương đối dài, thời gian mặt trời chiếu sáng lâu. Phong cách xây nhà kiểu Trung Quốc Tứ hợp viện giúp mọi không gian đều được ánh nắng lan tỏa. Mọi người có nhiều không gian để vui chơi, chạy nhảy.
Mùa đông ở Bắc Kinh rất lạnh, mặt trời chiếu nghiêng, vì thế khi thiết kế nhà tứ hợp viện theo chiều rộng, phòng bên nọ sẽ không che khuất phòng bên kia, tất cả đều được chiếu sáng. Tứ hợp viện ngăn cách với bên ngoài, tất cả cửa sổ đều mở về hướng sân viện, đây là biện pháp tốt để ứng phó với bão cát lớn tại Bắc Kinh.
Toàn bộ tinh thần của Tứ hợp viện nằm trong chữ “Hợp”. Sân vườn trở thành hạt nhân trong sinh hoạt gia đình, là không gian sinh hoạt cho mọi thành viên. vì vậy có thể nói người sáng tạo ra kiểu kiến trúc Tứ hợp viện có một tầm nhìn sâu rộng.
Tổng kết
Ngày nay do sự phát triển về kinh tế và mật độ dân số tăng cao nên tứ hợp viện và không đáp ứng nhu cầu xã hội hiện tại. Nhiều tứ hợp viện đã bị phá bỏ để xây dựng chung cư, khách sạn, quán cà phê… Tuy nhiên, những năm gần đây chính phủ Trung Quốc đã quyết định cho bảo tồn diện mạo lịch sử văn hóa phố cổ. Nếu nói Bắc Kinh là hạt nhân của du lịch Trung Quốc thì “tứ hợp viện” được xem là linh hồn của Bắc Kinh. Đặt chân đến nơi đây bạn mới cảm nhận lớp bụi thời gian và vẻ đẹp kiến trúc cũng như tài năng của người xưa.
Với mình học tiếng Trung, điều thú vị nhất đó chính là có cơ hội tìm hiểu rõ nét hơn về đặc sắc văn hóa, con người Trung Quốc. Và với những ai yêu thích cũng như say mê với ngôn ngữ này, trong cuộc đời hãy ít nhất một lần đến Trung Quốc để trải nghiệm nền văn hóa phong phú lâu đời bạn đang học nhé.
Đọc thêm: Có những cơ hội việc làm nào cho người học tiếng Trung?